Trà Bảo Tín
TRÀ BẢO TÍN

Cách dùng trà xanh(20-03-2016)

Cách dùng trà xanh

Trước hết phải phân biệt các tên gọi trà xanh, trà đen và trà tươi. Tất cả đều lấy từ cây trà mà ra, nhưng trà xanh và trà đen là hai loại trà cần qua chế biến để có sản phẩm cuối cùng là trà khô. Còn trà tươi là lá trà được hái từ cánh đồng trà về và dùng để nấu nước uống mà không qua một công đoạn chế biến nào cả.

Công nghệ sản xuất trà xanh và trà đen đã dùng hai phương pháp chế biến khác nhau để sản xuất hai loại trà này. Trà đen được chế biến bằng cách ủ lên men (do đó lá trà bị đổi thành màu đen) rồi được sấy khô và cho ra trà đen, sau đó có thể thêm các hương liệu để tạo ra các loại trà với các mùi hương khác nhau. Còn trà xanh thì không qua giai đoạn lên men mà lá trà tươi sau khi được hái về được đưa vào hấp hơi nước để ngăn cản quá trình oxy hóa lá trà, do đó vẫn giữ được màu xanh của lá trà.

Nhưng điều quan trọng, không nằm ở màu sắc của lá trà mà là ở quá trình oxy hóa đã làm phá hủy hầu hết hoạt chất EGCG (Epigallo Catechin Gallate) có trong lá trà, chất này được cho là hoạt chất chủ yếu đem lại các lợi ích của trà xanh đối với sức khỏe con người. Còn trà xanh, do không bị oxy hóa nên lượng EGCG còn lại gần như trong lá trà tươi và đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Trà đen ngon và nhiều người hợp “gu” hơn trà xanh nhưng nói về sức khỏe thì trà xanh vượt trội trà đen. Ngày càng có nhiều bằng chứng về vai trò của EGCG đối với sức khỏe như phòng chống bệnh tim mạch, ung thư, nhiễm trùng và giúp giảm cân. Nếu bạn muốn uống trà tươi thì sẽ nhận được rất nhiều chất EGCG như là trà xanh vậy. Có điều là bạn phải chuẩn bị nhiều thứ và tốn nhiều thời gian hơn khi dùng trà xanh khô đã chế biến đóng gói.

Phần hoạt chất EGCG tập trung chủ yếu ở phần ngọn của lá trà nên khi thu hoạch người ta chỉ ngắt ngọn lá trà mà thôi. Do đó khi nấu trà tươi thì bạn cũng chỉ cần dùng lá chứ không cần phải bỏ cả thân trà vào ấm nấu, nếu bạn bỏ bớt các lá trà bị già ở phần dưới thì càng tốt vì lượng EGCG trong đó là rất ít. Bởi vì EGCG rất dễ được chiết từ nước sôi nên bạn không cần thiết phải nấu lá trà tươi thật lâu trong ấm, chỉ cần chuẩn bị sẵn ấm để bỏ lá trà tươi đã vò nhàu sơ vào, rồi sau đó đổ nước sôi vào và ủ là được.

Trong thời gian ủ độ 5-10 phút là có thể chiết được hoàn toàn EGCG từ lá trà ra nước trà để uống. Nếu đun sôi quá lâu thì EGCG sẽ bị phân hủy. Lưu ý là phải chuẩn bị nước sôi trước khi vò lá trà, bởi lẽ nếu vò lá trà và để chờ nước sôi quá lâu thì quá trình oxy hóa EGCG sẽ xảy ra trong lá trà và làm tiêu hủy phần lớn EGCG. Lá trà sau khi được nấu hay ủ nước sôi thì không nên dùng lại. Một số người có thói quen cứ thêm nước vào ấm trà để uống, thật ra đó chỉ còn là nước có mùi trà thôi chứ chẳng có chút gì EGCG cả.

Bạn muốn biết uống bao nhiêu trà xanh mỗi ngày thì tốt cho sức khỏe? Một nghiên cứu ở Nhật cho thấy người nào uống càng nhiều trà xanh thì sống càng thọ, nhóm người uống đến 10 ly trà xanh mỗi ngày sẽ có tuổi thọ cao nhất. Tuy vậy đa số người dân Nhật đều uống ở mức 5 ly trà xanh mỗi ngày và điều này cũng đã góp phần cho sức khỏe của cộng đồng người Nhật.

Mỗi ly trà xanh 250ml được pha chế đúng cách từ 1,5 gram trà xanh khô. Khó có thể khuyên bạn chính xác là bao nhiêu lá trà tươi sẽ tương ứng với 1,5 gram trà xanh khô bởi lẽ trà xanh tươi chế biến chỉ từ ngọn trà tươi còn trà tươi bạn nấu sẽ gồm toàn bộ các lá trà. Tuy nhiên để dễ hình dung, bạn có thể nấu trà tươi với độ đậm tùy theo khẩu vị và thói quen của bạn và mỗi ngày uống khoảng 1 đến 1,5 lít (tức khoảng 4 đến 6 ly 250 ml mỗi ngày) thay cho nước uống bình thường hằng ngày. Sau một thời gian uống quen, bạn có thể tăng độ đậm của nước trà tươi nếu nó không gây cho bạn các tác dụng phụ như táo bón, mất ngủ, kích thích.

Nhìn chung bạn sẽ có được một mức độ của nước trà tươi phù hợp với bản thân mình và cố gắng để duy trì như vậy. Lá trà tươi mua về cần nấu ngay, vì nếu để lâu sau vài giờ thì quá trình oxy hóa EGCG sẽ xảy ra và tiêu hủy EGCG. Do đó không nên mua nhiều lá trà tươi về để cất trong tủ lạnh mà nên mua ngày nào dùng ngày đó và lưu ý rằng đó cũng chính là lá trà tươi vừa được hái chứ không phải đã được hái từ ngày hôm trước.

BS. NGUYỄN VĂN HỮU